ANH EM MUỐN GÌ Ở CUỘC ĐỜI NÀY?



Sự nghiệp hay gia đình?
“Hãy xem sự nghiệp như gia đình, và xem gia đình như một sự nghiệp.”
Người ta hay trăn trở, làm sao để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình?
Thật ra nó không hẳn là ‘bài toán cân bằng’, mà bản chất là ‘bài toán bạn muốn gì” thì nó sẽ đi sâu hơn và đúng hơn.
Vậy câu hỏi đúng, nó sẽ là
“Anh em đang muốn gì ở cuộc đời này?”
Nếu đứng trên góc nhìn tất cả mọi thứ diễn ra đều là trải nghiệm.
Thì sự nghiệp sẽ là trải nghiệm A hay sự nghiệp A,
Và gia đình sẽ là trải nghiệm B hay sự nghiệp B.
Nên việc tôi hay nói, hãy xem gia đình như một sự nghiệp là như thế. Sự nghiệp chuyên môn và sự nghiệp gia đình.
Nhưng bản chất vẫn là anh em phải trả lời được anh em muốn gì, hoặc ‘KHÔNG GIAN HẠNH PHÚC’ của anh em ở cuộc đời này là gì.
Không gian hạnh phúc, là khái niệm tôi từng nói rồi, nó là tổ hợp những thứ hay những điều kiện, để anh em thấy hạnh phúc.
Có người, không gian hạnh phúc của họ, là được đi làm việc phục vụ cộng đồng, không chồng, không vợ, không con, cũng không sao cả. Ngày ăn 3 bữa đơn giản, miễn hôm đó giúp được ai đó tý ty là hạnh phúc rồi.
Nhưng cũng có người, không gian hạnh phúc của họ, là có 10 triệu đô trong tài khoản, chạy siêu xe, được công nhận trong một cộng đồng nào đó, gia đình phải nề nếp, con cái thành đạt v.v…
Rồi cũng có người, không gian hạnh phúc của họ là có gia đình vợ con yên ấm, đủ ăn, làm nghề tay chân cực tý cũng không sao… miễn là họ có nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình.
Nôm na là như thế, nhưng có 4 sự thật về không gian hạnh phúc mà anh em nên quan sát ra được:
Một, không có ‘không gian hạnh phúc’ của ai hơn của ai cả.
Cho nên hãy tôn trọng không gian hạnh phúc của người khác.

Hai, mình có quyền muốn nhiều thứ cho ‘không gian hạnh phúc’ của mình nhưng nhớ là, chúng ta không sống một mình.
Anh em có tự do hạnh phúc của riêng anh em, nhưng cũng đừng làm phiền đến tự do hạnh phúc của người khác.

Ba, khi đặt 2 khái niệm ‘không gian hạnh phúc’ của 2 người vào làm chung hay vào sống chung, thì bắt buộc phải có va chạm và mâu thuẫn xảy ra. Vì mỗi người sẽ có cái muốn khác nhau, cho nên, muốn bền, thì cốt lõi là cả hai phải tìm ra và đồng thuận được một cái không gian hạnh phúc mới, mà có cả 2 trong đó. Vợ chồng là điển hình của việc này. Công việc cũng là 1 điển hình khác, khi anh em làm ở một môi trường nào đó, anh em phải tìm được điểm chung về 'cái muốn' giữa mình và môi trường đó. Có thể là chung 1 đích đến, chung 1 hệ giá trị theo đuổi, chung 1 phương pháp luận cho các vấn đề, ... nhất thiết phải có 1 vài cái chung đủ lớn thì anh em mới trụ được hay gắn bó được.

Bốn, không gian hạnh phúc không cố định, vẫn có thể thay đổi theo thời gian và sau những sự kiện va chạm quá mạnh.

Tôi từng gặp một trường hợp, Chú ấy là giáo sư, vừa nghiên cứu vừa đi giảng dạy, bên ngành Y. Vợ chú ấy sau 20 năm chung sống thì thấy cả hai không còn thuộc về nhau nữa, vì bảo 5 năm nay, Chú tập trung gần hết cuộc đời để dạy những bác sĩ trẻ sắp ra trường, nghiên cứu thêm, còn lại vẫn ra vào bệnh viện thăm khám bệnh nhân, tối về thì nghiên cứu bệnh án tiếp. Tiền nhà không thiếu, nhưng Chú để toàn bộ việc gia đình 2 bên và nuôi dạy con cái cho Cô quản hết. Thậm chí Chú không buồn ý kiến gì về các vấn đề trong gia đình luôn.
Cái ngày Cô bảo Chú là sẽ dừng lại mối quan hệ này, Chú nhắn tôi "vậy rút cuộc là Chú đang sai, hay là Cô sai vì Cô đang mong đợi ở Chú quá nhiều".
Không có ai sai ở đây cả, tôi nhắn Chú.
Cả hai đều đã làm điều tốt nhất trong nhận thức của mình rồi.
Cái cốt lõi là không gian hạnh phúc của Chú và của Cô không còn khớp với nhau nhiều như xưa nữa.
Muốn đi tiếp thì cả hai phải cùng ngồi lại điều chỉnh để tìm được phần chung nhiều hơn trong cái không gian hạnh phúc chung đó thôi.
Kết quả là, cả hai vẫn quyết định dừng lại, vì cơ bản lý tưởng sống, hay việc CHÚNG TA MUỐN GÌ, không còn chung ‘nhịp sống’ nữa, nói nhẹ hơn, là hết duyên hết nợ rồi.

Rồi cũng một gia đình khác, tôi mới đọc hôm qua, Anh chồng làm tài xế xe bus, chị vợ làm tiếp viên bán vé xe ngay trên xe đó, cả hai có 1 đứa con trai. Tối chạy xe xong là cả gia đình sinh hoạt và ngủ trên chiếc xe bus đó luôn, cả 3 người.
Nếu nhìn trên nền tảng ‘không gian hạnh phúc’ thì chắc chắn hai vợ chồng này phải có rất điểm giao thoa chung trong cái không gian hạnh phúc đấy.

Tương tự như 1 gia đình, ở một doanh nghiệp cũng có 'không gian hạnh phúc' hay 'những cái muốn chung' của tập thể ấy.
Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp, ta cần những người 'fit - phù hợp' cho giai đoạn phát triển đó để hiện thực hoá mục tiêu ta đặt ra. Vậy thì, sẽ có người 'phù hợp' và có người 'không còn phù hợp'. 
'Người phù hợp' có khi là người cũ, nhưng có khả năng đi tiếp một đoạn nữa. Cũng có những người cũ là 'người phù hợp' vì họ nỗ lực học hỏi, phát triển bản thân liên tục và vì thế vẫn giữ cho mình relevant - còn liên quan trong bối cảnh mới hay còn cùng chung 'không gian hạnh phúc'.
'Người phù hợp' có thể là người mới, sở hữu những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần trong giai đoạn phát triển mới. Let's face it - mình thực tế đi anh em. Không có chuyện doanh nghiệp cứ bao nhiêu đó người làm hoài mà phát triển. Cũng không có chuyện nhân viên cứ bổn cũ soạn lại, không học hỏi phát triển gì mà tồn tại hoài trong một tổ chức đang phát triển. 
Nên chữ 'người tài' chỉ mang tính tương đối. Tài quá, vượt xa sự cần thiết của doanh nghiệp trong giai đoạn này cũng không xài nổi.
Tài của nơi này chưa chắc đã phù hợp với môi trường khác. Tài của giai đoạn này chưa chắc đã là tài của giai đoạn khác.
Cuối cùng, nói được làm được trong ngữ cảnh đương đại là tài. Hay thôi bỏ chữ tài đi anh em, gọi là phù hợp. 
Không có gì trên đời là trường tồn. Khi cái 'không gian hạnh phúc' hay cái 'muốn gì' của mỗi người, của tập thể nhiều người thay đổi thì hợp tan âu cũng là nguyên lý vận hành của vũ trụ xưa nay.

Hiểu đến đây, nó không còn là chuyện anh em chọn giữa gia đình hay sự nghiệp nữa… mà là anh em sẽ chọn ‘không gian hạnh phúc’ của mình sẽ CÓ GÌ TRONG ĐÓ và sẽ CÓ AI TRONG ĐÓ. Cốt lõi là vậy, không có Đúng hay Sai ở đây.

Không nhất thiết phải lập gia đình thì anh em mới hạnh phúc. Cũng không nhất thiết là anh em phải lên đỉnh cao trong sự nghiệp chuyên môn thì anh em mới hạnh phúc.
Cũng không nhất thiết phải là chọn 1 trong 2, vẫn có thể là chọn 1 thôi cũng được… còn nếu sự nguồn lực và nội lực anh em đủ lớn thì chơi luôn cả 2 đều đến đỉnh cao, cũng không sao.

Nói cái này làm tôi nhớ đến câu, Tu thân, Tề Gia, Trị Quốc, Bình Thiên Hạ.
Nếu nhìn góc độ hạnh phúc, thì cách hiểu của tôi sẽ thế này:
Tu thân là học cách làm cho mình hạnh phúc.
Tề gia là học cách làm cho cả mình và những người sống chung với mình hạnh phúc.
Trị Quốc là học cách làm nhiều người hơn hạnh phúc.
Bình thiên hạ, là học cách làm tất cả hạnh phúc.

Nhìn thế nào thì cuộc đời anh em sẽ đi theo hướng đó.
Như viết blog, chia sẻ với anh em, đó cũng là một phần trong không gian hạnh phúc của tôi… và rất may, vợ tôi cũng là một fan cứng của tôi, nên không gian hạnh phúc của vợ tôi cũng có một phần là dành tý thời gian cho chồng mình được viết gì đó giải trí tý.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

System Thinking in problem solving

Kind but not weak!!