Ai trong chúng ta cũng luôn muốn mình được yêu thương, được quan tâm, chú ý, là trung tâm của mọi thứ, của mọi hoạt động trong 1 tập thể. Điều đó hoàn toàn là nhu cầu, mong muốn chính đáng của con người, trong tháp nhu cầu Maslow cũng thể hiện rõ việc này. Nhưng, có bao giờ bạn tự đặt ra cho bản thân mình câu hỏi: "Tôi cần và phải mang đến những giá trị gì cho tập thể, để tôi có được những điều trên?".
Đây là 1 câu hỏi quan trọng, rất quan trọng mà theo tôi, bạn phải luôn tự vấn với bản thân mình. Luôn luôn phải đặt cho mình câu hỏi "Tôi đã và đang mang đến những giá trị gì cho tập thể, nơi mà tôi đang thuộc về".
Mỗi khi bạn đặt ra câu hỏi này, bạn sẽ ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, giá trị mà mình mang lại trong chuỗi giá trị mà tập thể đang xây dựng, qua đó bạn sẽ nhận thấy được mình cần phải làm gì, phải thay đổi gì, phải cố gắng như thế nào.
Hãy nhớ lại nguyên lý chiếc thùng gỗ. Lượng nước mà thùng gỗ chứa được nhiều nhất không phải quyết định bởi miếng gỗ cao nhất, mà nằm ở miếng gỗ thấp nhất. Đừng để mình là miếng gỗ thấp nhất, nhưng nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn là mảnh ghép yếu nhất trong tập thể, thì ít ra cũng đừng để mình là miếng gỗ thấp như ngày hôm qua. Hãy tự làm mình cao lên mỗi ngày.
Trong tập thể, không có cá nhân quan trọng hơn, tất cả đều quan trọng như nhau, vị trí khác nhau - vai trò và trách nhiệm khác nhau. Bạn tham gia vào chuỗi giá trị nào, bạn sẽ nhận lại tương xứng với nó. Đó mới là 1 tư duy đúng đắn trong hoạt động tập thể. Đừng đặt mình là trung tâm và cũng đừng cho rằng mình có giá trị cao hơn những cá nhân còn lại trong tập thể.
Vậy làm sao để ta trở nên tốt hơn mỗi ngày. Tôi suggest cho bạn một vài ý như sau:
1. Tôi làm hết việc chứ không hết giờ
Tám giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần là thời gian chúng ta có mặt ở nơi làm việc, tại sao tôi gọi là có mặt, vì thực tế hầu hết chúng ta chưa khai thác hết khoảng thời gian này, chúng ta đến nơi làm việc trong khi còn say ngủ, chấm công khi vừa đúng giờ làm, lê lếch từng bước chân nặng nề mỏi mệt về phòng làm việc, ngồi vào bàn và mở máy tính lên, nhìn một cách vô thức vào màn hình hẵn 5 phút có lẻ. Mười lăm phút đầu tiên mỗi ngày trôi qua như vậy. Rồi 15 phút trước giờ nghỉ trưa, bắt đầu trông ngóng, bắt đầu suy nghĩ trưa nay ăn gì, ở đâu. Rồi tin nhắn trên các nhóm "Không có sếp" dồn dập, bàn tán xôm tụ về chủ đề này. Tôi ước gì trong công việc các bạn cũng sôi nổi như vậy. Tương tự như vậy cho buổi chiều. Còn 15 phút nữa hết giờ thì các app trao đổi công việc đã được đóng, các app xử lý công việc cũng được đóng ngay sau đó. Rồi dọn son phấn, ly tách, trái cây, bánh ngọt, sạc điện thoại, bóp ví, ... countdown còn 5 phút thì bấm vào lệnh shutdown máy tính, lướt như một cơn gió ra đứng ngay máy chấm công, 17h00 cho ngay tay vào máy.
Mỗi ngày các bạn đánh cắp 60 phút của tập thể, 60 phút không tạo ra giá trị gì - có khi còn ngược lại, là rào cản khiến tập thể bị kéo tụt lại. Và các bạn luôn oán thán rằng lương mãi không thấy tăng, các bạn luôn so sánh sao tôi làm lâu vậy rồi mà chưa được thăng tiến trong công việc.
Trong khoảng thời gian tôi làm ở 1 Cty được thành lập và điều hành bởi 1 người Nhật, tôi học được rằng "hết việc chứ không hết giờ", tư duy ở đây là tư duy về trách nhiệm, công việc đó đã được trao cho bạn, bằng tất cả niềm tin rằng bạn sẽ hoàn thành xuất sắc nó. Vì trong 1 tập thể, các công việc mang tính chất quy trình, bất cứ khi nào 1 khâu trước đó chưa hoàn thành thì khâu sau đó chưa thể tiếp tục. Nó sẽ kéo chậm cả tập thể.
2. Tôi làm việc có mục tiêu rõ ràng
Các bạn có đặt cho mình những mục tiêu khi làm việc không? Những mục tiêu to lớn và khác những gì đang diễn ra như hiện tại. Tôi cá đa phần là không. Các bạn đọc mô tả công việc, cá bạn làm theo đúng những gì được mô tả, có khi còn không đủ. Như vậy, các bạn phát triển như thế nào, các bạn đóng góp gì cho SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TẬP THỂ? Bởi vì các bạn đong đếm, trả lương 7tr tôi làm 7tr. Hoặc các bạn hài lòng với những thứ nhận được ở hiện tại, chấp nhận nó với suy nghĩ vậy là tốt rồi, tôi không cần thêm gì nữa.
Các bạn có biết, ý nghĩa của sự cố gắng là gì không? Đó là khi bố mẹ cần, bạn chẳng có gì ngoài nước mắt, khi con cái cần bạn chẳng có gì ngoài hổ thẹn, khi bản thân bạn cần, bạn chẳng có gì ngoài tiếc nuối. Đấy là ý nghĩa của sự cố gắng đấy ạ.
Hãy đặt cho bản thân mình những mục tiêu, dựa vào mục tiêu mà tập thể giao cho bạn, hãy levelup nó lên. Có mục tiêu rồi thì hãy vạch ra kế hoạch, từng bước một, từng ngày, từng tuần, từng tháng, quý, năm tôi cần làm gì, tôi phải làm gì và quyết tâm mà thực hiện cái kế hoạch ấy, quyết tâm mà đạt được các mục tiêu ấy.
Cái sự "cầm chừng vừa đủ" sẽ làm các bạn an toàn, làm các bạn ít giông bão đấy, mình công nhận điều đó đúng, nhưng với mình - cuộc đời đúng thôi thì chưa đủ.
Mình vẫn hay nói, máu chiến 1 tí thì đời nó mới bốc, cuộc đời mà cứ tàn tàn cho qua ngày ấy, nó chán lắm. Máu lên!
3. Muốn thành công, hãy hành động
Nghĩ ít thôi, coi tiktok ít thôi. Xoắn tay vào mà làm. Vì chỉ có hành động mới tạo ra kết quả, còn những suy nghĩ trong đầu mà bạn không biến nó thành hành động thì mãi cũng chỉ là những câu chuyện buôn dưa với nhau.
Dám nghĩ - dám tin - dám làm - và dám chịu. Cuộc đời có bao lâu là tuổi trẻ, nếu để tuổi trẻ của mình mắc kẹt trong mớ suy nghĩ hỗn độn kia mà không có hành động cụ thể nào thì tôi tin rằng một lúc nào đó nhìn lại, bạn hẵn sẽ rất hối tiếc.
Ông nào đó từng nói: "Sau này khi nhìn lại, chúng ta sẽ hối tiếc vì những gì chưa làm chứ không phải vì những thứ đã làm". Tôi không nhớ ai nói, nhưng mà nó đúng lắm các bạn ạ.
Có mục tiêu rồi thì làm đi nhé!
4. Cuộc đời, nói chuyện bằng kết quả
Bạn định sẽ nói gì, viết gì trong báo cáo tổng kết cuối năm. "Em đã rất cố gắng, em đã rất nổ lực, em đã .... nhưng tại vì ...."
Không bạn ạ, kết quả sẽ tự nói thay tất cả. Cuộc đời này vận hành như vậy, vũ trụ này cũng vận hành theo cách đó. Chỉ có tạo ra kết quả, mới có thể chứng minh bạn là ai, bạn mang đến những giá trị gì và bạn xứng đáng được những gì. Còn "câu hẹn, câu thề" nó chắc chỉ có trong truyện ngôn tình mà thôi.
Một lần nữa, hãy bắt tay vào hành động, vạch ra kế hoạch, xác định mục tiêu, tập trung vào việc mình làm và không ngừng cố gắng thật nhiều mỗi ngày.
Luật nhân - quả, luật hấp dẫn và luật tập trung luôn đúng trong mọi trường hợp, không có ngoại lệ nào cả.
Nguyên NT, 26/03/2023.
Nhận xét
Đăng nhận xét